“LỨA” HỌC TRÒ ĐẦU TIÊN

 

   Thấm thoát đã hai năm, một mốc thời gian không phải là dài nhưng mỗi khi nhớ lại tôi không thể không cảm thấy bồi hồi xao xuyến nhờ về một dấu ấn, một kỷ niệm luôn in đậm trong tôi, luôn nhắc tôi phải nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp của mình.

   Trong sự nghiệp trồng người của mỗi người thầy, người cô chắc hẳn đều có cho mình những kỉ niệm khó quên về những người học trò. Nhớ về năm học 2016 - 2017, là một năm học đầy ý nghĩa đối với bản thân tôi. Là một giáo viên trẻ mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như đứng lớp, việc giáo dục học sinh bình thường là một cơ hội cũng không ít khó khăn, thách thức đối với tôi. Có lẽ, chặng đường giáo dục này sẽ mang đến cho tôi rất nhiều cơ hội cũng như thách thức để tôi khẳng định bản thân mình. Tôi được phân công về làm việc tại ngôi trường Tiểu học Quế Nham - ngôi trường 15 năm - nơi thắp sáng cho tôi những ước mơ đầu đời.

   Về công tác tại “trường xưa” trong tôi cảm thấy mọi thứ nơi đây đều gần gũi và thân quen, nhưng cũng không ít những bỡ ngỡ. Tôi được phân công chủ nhiệm và giảng dạy lớp 5D - một lớp học có 21 học sinh, trong đó có 2 học sinh khuyết tật dạng khiếm thị. Điều khiến tôi bỡ ngỡ, luôn nhắc nhở liệu những hành trang mình có có để giảng dạy các em và hơn nữa làm cách nào để giúp các em học sinh khuyết tật có một tâm thế tốt nhất để bước vào cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Theo tìm hiểu, tôi được biếttrẻ khuyết tật là đối tượng thiệt thòi nhất trong số những trẻ em thiệt thòi.Trong số hơn 1,2 triệu trẻ em khuyết tật trong cả nước có tới 46,7% số trẻ chưa học xong Tiểu học. Vì vậy, giáo dục hòa nhập cho trẻ em ở lứa tuổi Tiểu học là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược giáo dục của nước ta.

   Để nói về kinh nghiệm giáo dục học sinh khuyết tật của trường Tiểu học Quế Nham thì không thể không nhắc đến các cô giáo Trần Thị Mão, cô Vũ Hải Hiền, cô Trần Thị Hải Yến,... Với tinh thần học hỏi và được sự quan tâm từ BGH nhà trường cùng các thầy cô đi trước tôi đã lĩnh hội được rất nhiều những kiến thức, phương pháp cũng như “kĩ năng mềm” để giáo dục các em. Khi còn là sinh viên, tôi đã được tham gia các lớp tập huấn kĩ năng sống, tham gia các phong trào tình nguyện “Vì đàn em thân yêu”, và đối tượng trẻ em khuyết tật là một trong những tâm điểm. Vì vậy, việc gần gũi với các em với tôi không còn đáng ngại, hơn nữa ngay trong lớp chủ nhiệm của mình nên tôi cố gắng làm quen, trò chuyện thân mật với các em.

Một trong những thuận lợi của lớp học là tất cả các học sinh trong lớp đều quý mến và tôn trọng các bạn khuyết tật, mặc dù 2 học sinh khuyết tật lớp tôi không đồng đều về lứa tuổi, các em học cùng nhau từ những năm học lớp 1. Đây là một “nguồn năng lực” rất lớn để tôi có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống cũng như những tâm tư, nguyện vọng của các em.

   Qua tìm hiểu về gia đình cũng như những chia sẻ của các em tôi càng hiểu hơn những suy nghĩ hồn nhiên mà các em bày tỏ, những ước mơ cháy bỏng mà các em muốn thực hiện.Em Nguyễn Văn Tú là học sinh khiếm thị dạng đục thủy tinh thể bẩm sinh, em sinh ra trong một gia đình thuần nông. Vì cuộc sống, hiện tại bố mẹ em đều đi làm ăn xa, em sống cùng ông bà ngoại quê ở xã Thanh Lâm - huyện Lục Nam. Hàng ngày sau giờ tan lớp, em về sinh hoạt tại Nhà hỗ trợ học sinh khuyết tật của trường. Do đặc điểm của dạng khuyết tật em phải theo học chữ nổi, một loại chữ mới mà tôi chưa một lần làm quen. Sau những buổi trò chuyện, tôi đã hiểu được cách viết chữ nổi của em và cũng học được từ em một vài kí hiệu đặc biệt. Không vì học loại chữ khác mà em bỏ bài, em rất cố gắng trong học tập cũng như các hoạt động tập thể. Quả thật, đó là những tình cảm rất đáng trân trọng.Em Tú (15 tuổi) ước mơ sau này lớn lên mình sẽ trở thành người thầy giáo dạy chữ nổi, em Dũng (11 tuổi) ước mơ mình trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho những trẻ em khuyết tật. Thật xúc động, thật đáng khen cho những đam mê chân chính!

   Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghề, đặc biệt trong việc giáo dục học sinh khuyết tật, nhưng tôi thiết nghĩ hãy trân trọng các em như chính những mầm non xanh kia, vun đắp để chúng phát triển. Hàng ngày đến lớp, ngoài việc giảng dạy kiến thức, tôi dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ cùng các em. Trong các hoạt động giáo dục, tôi thường xuyên tổ chức các trò chơi tập thể, hoạt động nhóm để tất cả học sinh được tham gia. Mỗi lần thấy những nụ cười trên môi các em trong tôi có cảm giác thật hạnh phúc!

   Là năm học đầu tiên tiếp xúc với học sinh khuyết tật nhưng đã để lại trong tôi những kỉ niệm khó phai. Hi vọng, sau này lớn lên các em sẽ trở thành những người công dân có ích cho xã hội, tự tin hòa mình vào cuộc sống hiện đại.

 

                                                                                                                      Giáo viên Nguyễn Thị Liêm

Trường Tiểu học Quế Nham - huyện Tân Yên - tỉnh Bắc Giang.